1. Chào Khách! Khi bạn tham gia diễn đàn thương mại điện tử Mua Bán Plus (MB+) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy và quy định.... ( Xem chi tiết)

Trung Quốc với tham vọng thống lĩnh ngành công nghiệp ô tô

Thảo luận trong 'Tin Tức Thị Trường' bắt đầu bởi atdvnn, 24/7/17.

  1. MB+ - Tờ Wall Street Journal cho biết từ năm 2008 đến nay, giá trị của các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tônước ngoài đã vượt con số 38 tỉ đô la Mỹ.

    Với tham vọng thống lĩnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc dồn dập đổ tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp ô tô thông qua hàng loạt vụ thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài từ các nhà sản xuất lốp và kính ô tô cho đến các nhà phát triển công nghệ và sản xuất ô tô.
    [​IMG]

    Chiến thuật cờ vây
    TờWall Street Journalcho biết từ năm 2008 đến nay, giá trị của các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô ở nước ngoài đã vượt con số 38 tỉ đô la Mỹ. Xu hướng đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô nước ngoài vẫn bền bỉ dù chính phủ Trung Quốc đang siết chặt hoạt động thâu tóm tài sản nước ngoài của các công ty trong nước để ổn định đồng nhân dân tệ.

    Theo Michael Dunne, Chủ tịch Công ty tư vấn Dunne Automotive có trụ sở ở Hồng Kông, có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, các công ty trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, không giống như các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác chẳng hạn giải trí, thường chọn các mục tiêu thâu tóm rất kỹ lưỡng và bảo đảm giá trị thu về xứng đáng với đồng tiền đầu tư bỏ ra. Thứ hai, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc rõ ràng nhận được sự ủng hộ của chính phủ nước này ở mức cao nhất để vươn lên giành vị thế thống lĩnh trên thị trường toàn cầu.

    Dunne nói: “Không còn nghi nghì gì nữa, tham vọng của họ là số 1 thế giới”. Theo nhận định của ông, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp ô tô là “dần bao vây đối phương bằng cách chiếm lĩnh các tài sản chiến lược” giống chiến thuật của trò chơi cờ vây có từ thời cổ đại của Trung Quốc.

    Các công ty ô tô Trung Quốc đã thực sự sử dụng chiến thuật này bằng cách thâu tóm các nhà cung cấp linh kiện ô tô và các công ty sản xuất ô tô nhỏ hoặc thiết lập các liên doanh ô tô ở nước ngoài.

    Chính phủ Trung Quốc cho phép các công ty trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc mặc sức tung hoành thâu tóm vì các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nhận thức được giá trị chiến lược của ngành công nghiệp ô tô.

    Ông Chen Yang, Giám đốc truyền thông của Công ty Ningbo Joyson Electronic thừa nhận: “Chúng tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các ban ngành liên quan của chính phủ. Sẽ không thể thực hiện các vụ thâu tóm ở nước ngoài nếu không có sự hậu thuẫn của chính phủ”, ông nói.

    Nỗ lực kiểm soát ngành công nghiệp ô tô toàn cầu của Trung Quốc tăng tốc trong nửa đầu năm 2017 với tám thương vụ đầu tư trị giá 5,5 tỉ đô la Mỹ vào các công ty nước ngoài có vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô. Một trong những thương vụ gần đây nhất diễn ra vào tháng trước khi công ty Key Safety Systems, chuyên sản xuất các hệ thống an toàn cho ô tô, đồng ý mua các tài sản còn lại của công ty sản xuất túi khí ô tô Takata (Nhật Bản) với 1,59 tỉ đô la Mỹ.

    Trước đó, Takata, nhà sản xuất túi khí ô tô lớn thứ hai toàn cầu, đã phải nộp đơn xin phá sản do vụ bê bối túi khí phát nổ, khiến 16 người tử vong trên toàn cầu và 42 triệu ô tô bị thu hồi. Công ty Key Safety Systems, có trụ sở ở bang Michigan (Mỹ), được công ty sản xuất linh kiện ô tô Ningbo Joyson Electronic (Trung Quốc) mua lại vào năm 2016 với giá 920 triệu đô la Mỹ.

    Nâng đẳng cấp nhờ công nghệ nước ngoài
    Công ty Geely có trụ sở ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) là nhà sản xuất ô tô năng nổ nhất trong các hoạt động thâu tóm ở nước ngoài. Tháng 3-2017, Geely mua lại 49,9% cổ phần của hãng sản xuất ô tô Proton (Malaysia) và 51,1% cổ phần của hãng xe thể thao Lotus Cars (công ty con của Proton) với giá 235 triệu đô la Mỹ. Ba tháng sau, Geely tiếp tục thâu tóm công ty khởi nghiệp sản xuất xe bay Terrafugia (Mỹ) với mức giá không tiết lộ.

    Trước đó, vào năm 2010, Geely thâu tóm hãng xe Volvo Cars (Thụy Điển), một công ty con làm ăn thua lỗ của Ford Motor và nhanh chóng cải thiện tình hình kinh doanh của công ty này. Trong sáu tháng đầu năm 2017, Volvo Cars đạt lợi nhuận thuần khoảng 820 triệu đô la Mỹ. Vụ thâu tóm Volvo Cars thường được nêu ra như là một ví dụ thành công nhất cho đến nay trong làn sóng thâu tóm ngành công nghiệp ô tô của các công ty Trung Quốc. Bên cạnh vực dậy thương hiệu Volvo, Geely cũng sử dụng công nghệ của Volvo để nâng cấp các dòng xe riêng của Geely.

    Ông Dunne cho rằng công nghệ nước ngoài đã giúp Geely nghiễm nhiên xếp ở đẳng cấp cao so với các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc khác, qua đó giúp xóa bỏ những hoài nghi của chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô đối với các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài.

    Một số công ty Trung Quốc khác thích nắm giữ cổ phần chiến lược ở các hãng ô tô nước ngoài hơn là thâu tóm hoặc nắm cổ phần kiểm soát. Chẳng hạn, tập đoàn đầu tư Tencent của Trung Quốc đã bỏ ra 1,8 tỉ đô la Mỹ để mua 5% cổ phần của hãng xe điện Telsla (Mỹ) vào tháng 3-2017.

    Cho đến nay, thương vụ thâu tóm hãng sản xuất lốp ô tô lớn thứ 5 thế giới Pirelli (Ý) với giá 7,86 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) vào năm 2015 là bước dấn lớn nhất của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô. Tập đoàn Wanxiang Group, nhà cung cấp linh kiện ô tô lớn nhất của Trung Quốc, cũng là một đối thủ tầm cỡ trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Tập đoàn này cho biết họ đang nắm giữ 12% thị phần linh kiện ô tô bên ngoài Trung Quốc.

    Nỗ lực thu hẹp khoảng cách
    Ông Chen Yang cho biết các nhà cung cấp linh kiện ô tô Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với những nhà cung cấp linh kiện ô tô hàng đầu thế giới như Bosch (Đức) hay Denso Corp (Nhật Bản). Gần đây, một số công ty Trung Quốc mua lại một số mảng sản xuất mà các nhà cung cấp linh kiện ô tô nước ngoài muốn cắt bỏ để có nguồn tài chính đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của ngành ô tô như tự động hóa và kết nối. Chẳng hạn, tháng 5 vừa qua, tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô và máy móc khai khoáng Zhengzhou Coal Mining Machinery Group và công ty đầu tư China Renaissance Capital Investment đã mua mảng máy phát điện và bộ khởi động ô tô của hãng Bosch với giá 595 triệu đô la Mỹ.

    Trong khi đó, Ningbo Joyson Electronic chủ yếu nhắm đến các công nghệ cao của ngành ô tô hơn là các tài sản mà các đối thủ phương Tây không muốn loại bỏ. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang phải chạy đua để theo kịp các nhà cung cấp linh kiện ô tô hàng đầu thế giới. Ông Chen Yang thừa nhận: “Trung Quốc vẫn chưa có một công ty ô tô tầm cỡ thế giới nào cả”.

    Theo nhận định của nhà phân tích ngành ô tô Robin Zhu ở công ty tư vấn Bernstein Research (Mỹ), những công ty Trung Quốc, đang quyết liệt thâu tóm các mảng nhỏ của thị trường linh kiện ô tô, có thể có cơ hội xác lập vị thế kiểm soát toàn cầu trong các mảng đó.

    Ông Zhu cho rằng động thái thâu tóm Key Safety Systems và Takata của Ningbo Joyson Electronic sẽ đưa công ty này trở thành một trong ba đấu thủ dẫn đầu toàn cầu ở phân khúc thiết bị và công nghệ an toàn cho ô tô nếu như Ningbo Joyson Electronic có thể liên kết thành công các công ty con với nhau.

    Dù các hãng sản xuất ô tô và linh kiện ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc nói chung vẫn bị xếp ở chiếu dưới so với các đối thủ nước ngoài. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của công ty Trung Quốc tầm cỡ như Bosch trong tương lai gần”, nhà phân tích Robin Zhu nói.

    Theo Chánh Tài - TBKTSG

    Chia sẻ trang này

  2. Comments0 Đăng bình luận

Chia sẻ trang này